Friday, November 22, 2013

ĐỊA LÝ CÀ PHÊ



Địa lý cà phê

Cà phê là một tặng phẩm của tự nhiên cho loài người, nhưng không phải trên thế giới chỗ nào cũng có.

Cà phê là đặc sản của một dải đất nằm song song hai bên đường xích đạo, từ chí tuyến bắc còn gọi là hạ chí tuyến nằm ở vĩ tuyến 23 độ 27 phút phía bắc; và chí tuyến nam nằm ở vĩ tuyến 23 độ 27 phút phía nam. Dải đất này được hưởng ánh mặt trời nhiều nhất trên trái đất nên cây cỏ và loài vật cũng sung túc và đa phức nhất.
Tất cả những vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng của thế giới đều nằm trọn trong khu vực này như: Ethiopia, Kenya, Tanzania ở Bắc Phi, Indonesia, Việt Nam ở châu Á, và Costa Rica, Guatemala, El Salvador vùng các hải đảo Jamaica, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica ở Trung Mỹ và Brazil, Columbia, Peru ở châu Mỹ Latinh.
Những vùng này ngoài phần mang tính dương của ánh mặt trời, còn là những vùng được hưởng nhiều cơn mưa rào nhiệt đới nhất, nên có những rừng nguyên sinh là lá phổi của hành tinh chúng ta và là kho sinh thái quý báu cho sự đa phức sinh học (biodiversity), là tài nguyên cho dược liệu và lâm nghiệp. Vùng này có đầy đủ cả hai yếu tố: âm (nước mưa) và dương (nắng lửa của mặt trời).
Ngay đất trồng cà phê tốt cũng là thứ đất đỏ, còn gọi là đất bazan (basalt) của những vùng đồi núi cao nguyên. Đất này vốn là những thứ nham thạch ở trong lòng trái đất và được nóng chảy dưới áp suất và nhiệt độ cao tới vài ngàn độ bách phân. Nham thạch đã trào dâng khỏi những miệng núi lửa từ hàng trăm ngàn năm nay, rồi bị phân hủy, tan rã trong không khí và nước mưa để trở thành thứ đất trồng màu mỡ, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp.
Trong lịch sử tiến hóa của loài người và của văn minh, chính những vùng đất này là những cái nôi văn hóa trong vòng năm mươi ngàn năm nay và hiện cũng là nơi tập trung đông đảo nhất của con người trên trái đất: văn minh Lưỡng hà (Mesopotamia), Trung Cận Đông, Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc, cũng như văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã - và sau nữa là văn minh Islam, Inca và Maya của người da đỏ ở châu Mỹ.
Ethiopia, cội nguồn của cà phê từ thế kỷ thứ 9 là vùng đất nổi tiếng với những truyền thuyết về Moses (phiên âm là Maisen) - nhà tiên tri Do Thái và tác giả của năm cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh - người đưa dân Do Thái qua biển Đỏ để thoát cảnh nô lệ ở Ai Cập, về vùng đất hứa (Palestine ngày nay). Ông cũng là người khởi xướng đạo thờ một thần duy nhất là Thượng đế.
Hiện nay cà phê là ngành công nghiệp khổng lồ vì sử dụng đến hơn hai mươi lăm triệu người lao động trồng trọt, hái, chế biến... Cà phê trong giao dịch thương mại toàn cầu có giá trị đứng thứ nhì, chỉ thua có dầu hỏa, nên còn được gọi là vàng đen. Cà phê cũng đang là thức uống phổ thông nhất thế giới, vượt cả trà, với số lượng tiêu thụ ước chừng hơn bốn trăm tỉ cốc/năm. Với dân số toàn cầu khoảng 7 tỉ, nếu chia đều đầu người, lượng tiêu thụ là hơn năm mươi bảy cốc cà phê/năm/người.
Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam đầu tiên vào năm 1857, và sau đó phát triển mạnh trong những đồn điền do người Pháp làm chủ ở miền Đông Nam bộ và trên Tây nguyên.
Đất nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil (trên ba triệu tấn/năm) với số nhân công trên năm triệu người và tổng số cây cà phê là khoảng chừng ba tỉ. Đứng thứ nhì về lượng xuất khẩu cà phê là Việt Nam, với hơn một triệu tấn/năm, và số cây chừng 1 tỉ.
Trong khi Brazil có diện tích đứng thứ năm trên thế giới và gần bằng một nửa châu Mỹ Latinh với 8,5 triệu km2 (hơn 28 lần diện tích Việt Nam) và dân số trên 150 triệu người, lại phát triển đồn điền cà phê trước Việt Nam cả hơn một thế kỷ, còn Việt Nam với dân số chỉ khoảng 85 triệu người và tổng diện tích chỉ hơn 326 ngàn km2, lại có lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, đó là niềm tự hào của chúng ta. 

Brazil là tên loại cây và gỗ cẩm (brasa= hổ phách) mọc nhiều ở bờ biển dài 7.500 km dọc Đại Tây Dương, rất quý trong công nghệ nhuộm vải từ thế kỉ 16 xuất khẩu sang châu Âu. República Federativa do Brasil là tên chính thức của Cộng hoà liên bang Brazil, nước lớn nhất ở Nam Mĩ Châu tức Châu Mĩ Latin. Tên của quốc gia này chính thức viết là Brasil trong ngôn ngữ chính thức Bồ đào nha, và phát âm là Brazil vì chữ s nằm giữa hai nguyên âm, cho nên thế giới thông dụng viết là Brazil để phát âm không bị sai lạc.

Brazil là quốc gia duy nhất ở Châu Mĩ sử dụng tiếng Bồ Đào Nha, các nước còn lại ở Trung và Nam Châu Mĩ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha.
Đứng thứ sáu toàn cầu về kinh tế, nông nghiệp Brazil chỉ chiếm 1/10 tổng sản lượng quốc nội, trong đó cốc loại (các loại lúa ngô) chiếm 1/3 diện tích canh tác. Brazil là nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng và xuất khẩu càphê (Việt Nam thứ hai), các đặc sản khác còn có đường mía, bột khoai mì, đậu nành, chuối,...
Thế kỉ 17 Brazil phát triển đường mía xuất khẩu và tăng cường việc mua nô lệ da đen từ châu Phi. Thế kỉ 18. nước này khai thác vàng, lực lượng lao động trông cậy vào người Da đỏ bản địa và lao động da đen thặng dư khi kĩ nghệ đường suy thoái. Khác với Bắc Mĩ với chính sách chinh phục và tận diệt người Da đỏ bản địa và kì thị chủng tộc với người nô lệ da đen, Brazil chung sống và hoà hợp chủng tộc trong hôn nhân nên tạo thành những đa sắc tộc, đa văn hoá đặc sắc hơn. Người Brazil hoà hợp ba giống: Da đỏ, Da đen, và Da trắng để trở thành Da nâu (pardo hoặc moreno trong tiếng Bồ). Người ta ví Da trắng như màu sữa, Da đen như màu càphê nguyên chất, thì Da nâu là màu càphê sữa.
Đất rộng trải qua ba múi giờ, Brazil có khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam. Đặc biệt có cây càphê liên kết giữa Brazil và Việt Nam như hai quốc gia đứng đầu về sản lượng xuất khẩu toàn cầu.
Lịch sử cây càphê chuyền tới châu Mĩ Latin là một lịch sử rất kì thú. Cà phê đầu tiên được khám phá tại Ethiopia rồi được lái buôn người A rập đưa về Yemen  đầu thế kỉ 12. Cây cà phê phát triển thịnh vượng trong các đồi núi ở đây và cung cấp cho toàn vùng rồi lan khắp thế giới của tín đồ đạo Islam. Cà phê lúc đó được bảo vệ rất kĩ lưỡng, chỉ những hạt càphê được rang hoặc luộc lên mới được xuất khẩu để giữ độc quyền. Đầu thế kỉ 17, Bababudan, một tín đồ Muslim hành hương từ Ấn Độ tới thánh địa Mecca đã lấy trộm được bảy hạt càphê còn sống, cột vào bụng và  mang về Ấn Độ, trồng ở Miso. Nhờ bảy hạt giống này mà Ấn Độ có càphê.
Người Hà lan cũng lấy trộm được hạt giống từ hải cảng Mocha, trên Biển Đỏ (vì thế có càphê Mocha cao cấp lừng danh).  Họ mang về trồng ở thuộc địa là Batavia (Jakarta),và Java (Indonesia). Điều này phá vỡ độc quyền về càphê nhập sang Châu Âu kéo dài tới 300 năm. Từ Java, người Hà Lan gây giống và gửi tặng một cây con cho viên thị trưởng Amsterdam. Năm 1712 cây này cho hạt và lứa đầu tiên được gửi tới thuộc địa ở Nam Mĩ là Surinam. Những cây con này rất quý báu chỉ làm quà tặng cho các triều đình ở châu Âu. Thị trưởng Amsterdam tặng một cây cho Hoàng đế nước Pháp là Louis XI và cây đó được trồng trong vườn Bách thảo của hoàng gia để du khách thưởng lãm. Một viên sĩ quan trẻ tuổi ban đêm trèo tường vào ăn trộm được hạt giống của cây này. Ngay sớm hôm sau, anh ta xuống tàu đi sang đảo Martinique. Từ hạt giống này sinh ra mười tám triệu cây trên đảo và hạt giống lại truyền sang Guyane thuộc Pháp. Một trung tá người Brazil thăm viếng vùng Guyane và vì viên thống đốc không chịu cho hạt giống càphê nên trung tá này tán tỉnh bà vợ của viên thống đốc. Bà vợ giấu cành cây càphê có hạt trong bó hoa đưa tiễn người tình trung tá và bảy mươi lăm năm sau Brazil thống trị việc xuất khẩu cà phê

Ngoài khí trời và nước, loài người chúng ta như đứa con nằm trong lòng mẹ và trao đổi chất với tự nhiên qua thực phẩm. Trong đại thể, chu kỳ của dây chuyền thực phẩm là thực vật ăn (hấp thụ) khoáng chất, và động vật ăn thực vật và lẫn nhau, trong khi con người ăn cả cây và con.

Loài người từ cổ sơ đã biết cái cuống rốn với bà mẹ là thiết yếu cho sự sống còn nên tín ngưỡng đầu tiên, cũng như mối liên kết bộ tộc được xây dựng trên sự thờ vật tổ (totem) và những cấm kỵ (taboo). Vật tổ nguyên thủy cũng như phổ quát của các tộc người là một chủng loại thảo mộc hoặc động vật nào hết sức thân thiết với đời sống hoặc sự sống còn của bộ tộc.
Một điều rất lạ mà ngành nhân loại học (anthropology) chưa giải thích được một cách khoa học là tại sao loài người chỉ đam mê những thứ thực phẩm kiêm dược phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc chứ không phải là động vật, từ những thức uống đến thuốc hút đều có cơ sở là các loại lá, bông, trái, rễ, mủ… như trà, cà phê, thuốc lá,...
Với cảnh quan và môi trường sống bản địa vô cùng phức biệt, mỗi bộ tộc, sắc tộc, và sau đó dân tộc đều có những món ăn thức uống gọi là món quê hương, quốc hồn quốc túy chẳng khác nào mỗi gia đình đều có bếp lửa và cách chế biến sử dụng riêng biệt từ bàn tay người mẹ, người chị… “Xa quê hương nhớ mẹ hiền” là câu xăm trên tay của những lãng tử tha phương phổ biến nhất, chính vì nỗi nhớ nhung đó.
Tuy nhiên, nếu mỗi tộc người chỉ bảo thủ gốc rễ của riêng mình thì khó có thể giao lưu và chung sống với người khác, tộc khác, và sẽ không có nếp sống chung hòa bình.
Sống chung là ăn uống chung, ở ngủ chung, làm việc chung, và mộng ước lý tưởng chung. Ăn là việc quan trọng để sống. Tục ngữ có câu: “dĩ thực vi tiên” hoặc “dân dĩ thực vi thiên” tức là lấy cái ăn làm đầu, hoặc coi trọng như trời. Người ăn cùng (commensal) là bạn ngồi cùng bàn. Bồ bịch tiếng Pháp là copain tức là cùng san sẻ bánh mì với nhau. Đồng chí tức comrade, gốc là camarade vốn là người ở cùng buồng do chữ camera trong tiếng La tinh là buồng hay phòng.
Uống thì nhẹ nhàng, tiện lợi, và phổ thông hơn ăn lại ít bị cấm kỵ. Những cấm kỵ nổi tiếng nhất đa số đều có gốc gác từ giới luật của các tín ngưỡng. Chẳng hạn Ấn giáo (Hindu) thờ bò, nhất là bò cái, như bà mẹ tự nhiên, giúp việc canh tác, cho sữa, bơ,…  Do Thái giáo và đạo Islam cấm ăn thịt heo và mọi sản phẩm làm từ con vật này, vì cho đó là dơ dáy. Ngoài ra còn vô số những cấm kỵ khác, nhất là với những con vật thuần hóa hoặc sống gần người như chó, mèo, ngựa… Hải sản và côn trùng gặp nhiều sự cấm kỵ và ghê tởm nhất.
Trong gặp gỡ giao lưu và kết bạn, thức uống là ưu tiên số một. Có một cấm kỵ quan trọng là nồng độ cồn/rượu dễ làm say, mất đi kiểm soát của cả ba phương diện thân thể, ngôn ngữ, và ý thức (thân, khẩu, ý) nên rượu thường bị liệt vào giới cấm trong nhiều tín ngưỡng trong khi cà phê và trà là hai loại thức uống phổ biến nhất trong giao lưu, chiêu đãi - với địa vị số một là của cà phê, cả về số người tiêu thụ và giá trị kinh tế thương mại. Quê hương nguyên thủy của cà phê là xứ Ethiopia nằm ở dải đất được coi là Sừng châu Phi (the Horn of Africa).
Ethiopia là một địa điểm cổ sơ nhất mà các nhà khoa học biết được về sự sinh tồn của loài người thông minh (homo sapiens), cũng là một trong những vương quốc cổ kính nhất. Homer đã nhắc tới Ethiopia hai lần trong sử thi Iliad và ba lần trong Odyssey. Đây là xứ nằm trên đường giao lưu của châu Phi, châu Á, và châu Âu. Có thể nói, với nền văn hóa đặc sắc đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ, Ethiopia là một trong những thử nghiệm giao lưu toàn cầu hóa lý thú nhất cho châu Phi và toàn thế giới


No comments:

Post a Comment