Monday, November 18, 2013

Gian nan phát triển cà phê chè


Cà phê chè có hương vị thơm ngon và hàm lượng caphein thấp (chỉ bằng 50% so với cà phê vối), chính vì vậy giá bán cao gấp 2-2,5 lần so với cà phê vối. Tuy nhiên, cây cà phê chè chỉ thích hợp với khí hậu lạnh, lại rất mẫn cảm với bệnh rỉ sắt, sâu đục thân, tuyến trùng… nên việc trồng cà phê chè ở nước ta gặp rất nhiều gian nan. Chương trình phát triển cà phê chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp thất bại, khi diện tích cà phê bị chết và mất trắng lên tới hơn 70%.




Ngày 26/7/2012, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững cà phê chè tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê chè (Arabica) trên toàn thế giới năm 2011 đạt mức kỷ lục 24,3 tỷ USD với lượng xuất khẩu 104,2 triệu bao so với mức 16,7 tỷ USD và lượng xuất khẩu 96,9 triệu bao năm 2010. Năm 2008, giá cà phê chè so với cà phê vối chỉ chênh 1,4 lần. nhưng đến năm 2011 độ chênh đã lên tới 2,5 lần. Trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011 lượng xuất khẩu arabica của Việt Nam đã tăng mạnh, từ 24 nghìn tấn năm 2009 lên 41 nghìn tấn năm 2010, đạt 50 nghìn tấn năm 2011. Về thị trường: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Bỉ là 4 nước nhập khẩu cà phê chè lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 năm qua, giá xuất khẩu cà phê chè của nước ta đã tăng lên gần gấp đôi, từ 2.313 USD/tấn năm 2009 lên 4.261 USD/tấn năm 2011. Năm 2009 giá xuất khẩu cà phê arabica cao hơn robusta 880 USD/tấn, nhưng đến năm 2011 giá xuất Arabica cao hơn robusta 2.162 USD/tấn.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cây cà phê chè hiện chiếm trên 60% diện tích cà phê thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới với sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn, nhưng chủ yếu là cà phê vối. Canh tác cây cà phê chè cần nhiệt độ thấp, biến động từ 20-22 độC và thích hợp ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Bởi vậy, tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 32-35 nghìn ha cà phê chè cho sản lượng 48 nghìn tấn, chiếm 4% tổng sản lượng cà phê của cả nước. Với mục tiêu nâng cao sản lượng cà phê chè, đã có nhiều chương trình, dự án phát triển cà phê chè tại Việt Nam nhằm đạt đến 100 nghìn ha cà phê chè, nhưng cho đến nay hầu như không thành công. Lịch sử phát triển cà phê ở tây Nguyên cho thấy, đã có hàng ngàn ha cà phê chè bị phá hủy do bệnh rỉ sắt và phải thay hoàn toàn bằng cà phê vối. Dự án phát triển 40 nghìn ha cà phê chè từ quỹ AFD của Pháp trong giai đoạn 1997-2000 cũng bị phá sản do quy hoạch vùng trồng không phù hợp. Trong những năm gần đây, sản phẩm cà phê chè Việt Nam đã được đánh giá khá cao về chất lượng bởi các nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành cà phê chè của đang đối đầu với nhiều thách thức cần phải vượt qua. Cà phê chè chỉ có thể phát triển phù hợp ở những vùng cao trên 800 m là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông bất lợi. Hầu hết hộ dân trồng cà phê chè quy mô nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống chế biến ướt quy mô nhỏ, sản phẩm thu hoạch bán dưới dạng quả tươi và luôn bị thương lái ép giá, đặc biệt ở những vùng giao thông khó khăn, người dân chỉ bán được giá bằng 2/3 giá thị trường. Ông Báu đề xuất giải pháp: để nâng cao năng suất, sản lượng cà phê chè, công tác quy hoạch vùng trồng cần được rà soát. So với cà phê vối, chi phí sản xuất cà phê chè cao hơn nhiều, trong khi khả năng đầu tư của nông dân ở vùng cao còn rất hạn chế, do đó cần được hỗ trợ nguồn tín dụng dài hạn (trên 3 năm) với lãi suất thấp và vườn cây của nông dân được xem như là tài sản thế chấp.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, tổng diện tích cà phê năm 2011 là 586 nghìn ha (vượt 86 nghìn ha so với quy hoạch) cho sản lượng 1.276.500 tấn. Trong đó, có hơn 32 nghìn ha cà phê chè. Bộ NN-PTNT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020, cà phê chè chiếm 8% tổng diện tích cà phê cả nước. Triển khai chương trình phát triển cà phê chè ở miền núi phía Bắc, trong những năm qua, đã có 7 tỉnh tham dự án trồng và phát triển cây cà phê chè, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn. Thế nhưng chương trình đã thất bại, khi diện tích trồng cà phê chè chỉ đạt 34% kế hoạch. Trong đó, đến nay đã mất trắng 8.059 ha (59,25%) do cà phê bị chết hết. Riêng 3 tỉnh mất 100% là Thanh Hóa (4.009 ha), Yên Bái mất 557 ha; Hà Giang mất 30 ha; 4 tỉnh còn lại diện tích cà phê bị chết từ 30-80% khiến nông dân không có khả năng hoàn trả vốn vay. Hiện nay, tổng số hộ nông dân vay tiền ngân hàng để trồng cà phê do cà phê bị chết, nên tổng số nợ ngân hàng của các hộ này lên đến 164,438 tỷ đồng không có khả năng trả nợ, đời sống khó khăn, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Như vậy, đến nay đã có 3 giai đoạn chúng ta đẩy mạnh phát triển cà phê chè, và đều thất bại. Bài học rút ra là, điều kiện sinh thái không thích hợp hoặc không an toàn với cây cà phê chè thì không nên trồng. Với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của Việt Nam không thích hợp để phát triển cà phê chè theo quy mô lớn, bởi vậy tổng diện tích cà phê chè nên giới hạn 50 nghìn ha.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Thái Hòa cho rằng, sản phẩm cà phê arabica của Việt Nam còn non trẻ cả về xuất khẩu. Do giá trị cà phê Arabica gấp 2-2,5 lần so với cà phê robusta, làm phá vỡ quy hoạch một số vùng trồng cà phê. Miền núi phía Bắc là khu vực được định hướng phát triển cà phê chè nhưng lại không mở rộng được diện tích trồng. Thế nhưng Lâm Đồng là tỉnh phía Nam không được chỉ định phát triển cà phê chè lại có tới 25000 ha cà phê chè, sản lượng cho thu hoạch hàng năm là 35.000 tấn, bằng 60% tổng sản lượng cà phê chè của cả nước. Do phát triển không đúng quy hoạch, phần lớn diện tích cà phê Arabica ở Lâm Đồng đã gây hủy hoại rừng thông Đà Lạt. Giá cà phê chè cao, lẽ ra người trồng cà phê arbica lãi lớn, nhưng do chất lượng thấp nên cà phê arabica của Việt Nam không được giá. Thực trạng thu hoạch cà phê xanh tại Quảng Trị, Lâm Đồng là thường có từ 20-30% tỷ lệ xanh trong nguyên liệu, nguyên liệu xấu không thể có sản phẩm tốt. Trong sản lượng cà phê chè thu hoạch của nước ta, có đến 15-20 % là cà phê thải loại, 20-30% là cà phê loại 2 không có hương vị cà phê Arabica chỉ vì thu hái khi quả còn xanh. Các địa phương cần rà soát ngay lại thực trạng các cơ sở chế biến cà phê có phù hợp với vùng nguyên liệu.

Ông Lưu Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cafecontrol Lâm Đồng cho biết, dự kiến vụ 2011/2012, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 55.000 tấn cà phê chè, trong đó có khoảng 15.000 tấn chế biến khô. Hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở chế cà phê chè và 20 nhà xuất khẩu chính cà phê chè. Kiến nghị Vicofa cẩn xây dựng tiêu chuẩn, quy cách chất lượng riêng và cụ thể cho arabica Việt Nam, xây dựng chính sách cụ thể để các nhà sản xuất và chế biến áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất và thu mua cà phê. Ngoài ra, cần phát triển mạng lưới marketing của ngành cà phê, giới thiệu sản phẩm arabica chất lượng cao vào thẳng khu vực rang xay, dần dần có thể tạo được nhu cầu và từ đó định hướng để phát triển sản phẩm Arabica chất lượng cao của Việt Nam. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt nam

No comments:

Post a Comment