“Đỗ” ở ngay trung tâm khu sinh viên St.Marks, “Xe Máy” là tiệm bánh mỳ số 1 của không chỉ các du học sinh đang sống và làm việc ở New York. Đứng đằng sau thành công của tiệm là Davis Ngô và Alan Woo, đôi bạn từ thưở niên thiếu có cùng chung một đam mê ăn uống. Tại sao lại là Bánh Mỳ Xe Máy? Người Mỹ trước nay vẫn quen thuộc với Phở và gọi nó là Phở Xe Lửa (nhiều người còn nói Xe Lửa=XL=extra large, kích cỡ một bát phở ở Mỹ) nên chúng tôi mới có ý tưởng về Bánh Mỳ Xe Máy, một cái dễ nhớ lại gần gũi với phương tiện đi lại số 1 của Việt Nam. Bỏ những công việc cũ để bán Bánh Mỳ có quá liều lĩnh khi New York đã có sẵn rất nhiều tiệm bánh mỳ? Tôi và Alan là bạn thân, cùng đam mê ăn uống và tìm hiểu học hỏi rất nhiều từ ẩm thực bốn phương mỗi khi chúng tôi đi du lịch vòng quanh thế giới. Bản thân tôi cũng lớn lên trong tiệm bánh mỳ truyền thống mà gia đình tôi từng sở hữu. Super Cub Classic, lựa chọn số 1 của các khách hàng thân thuộc của Xe Máy cũng được ra đời nhờ rất nhiều bí quyết, kinh nghiệm 20 năm làm nghề của gia đình tôi. Ước mơ và cũng là mục tiêu sắp tới của “Xe Máy” là trở thành thương hiệu lớn tầm cỡ như Subway với chất lượng bánh mỳ, chất lượng phục vụ và không gian còn tốt hơn nữa. Nghe nói Bánh Mỳ còn có cả Hall of Fame (Không gian để tôn vinh)? (Cười) Hall of Fame là ý tưởng từ chính các khách hàng thân thuộc của chúng tôi. Rất nhiều người yêu mến ký tên, để lại những lời nhận xét dễ thương cho “Xe Máy”. Giờ bức tường đã gần kín đặc và nếu bạn để ý sẽ thấy rất nhiều tên trùng lặp, đặc biệt là những khách hàng ghiền Super Cub Classic cùng với cà phê sữa đá. Người Mỹ vốn sợ béo, liệu có ngại sữa đặc có đường trong cà phê sữa đá? Tôi nghĩ là không. Sữa đặc mang lại vị ngọt, ngậy đậm đà cho cà phê. Vào mùa hè, khách đặc biệt yêu thích cà phê sữa với đá nghiền. Họ còn thích “Basil Limeade Fizz” (lấy ý tưởng từ Soda chanh đường) và “Iced Lychee Green Tea”. New York không thiếu quán ăn Việt Nam nhưng để tìm một không gian đặc Việt Nam với món ăn, cà phê phin, bia 333 made in Việt Nam, chỉ có thể là “Ăn Chơi”. Tôi có chút giật mình lần đầu ngồi ở “Ăn Chơi”. Quầy lễ tân và pha chế có thiết kế nhang nhác giống một xe đẩy bán cơm bình dân. Bức tường với những dòng in “Khoan cắt Bê-tông” ngổn ngang chẳng khác gì những quán ăn vỉa hè Việt Nam gần gũi. Tranh cổ động không thiếu. Một cái nón Việt được treo hững hờ rất đúng chỗ. Design giầu tâm huyết này chính là kết quả của nhiều lần về thăm, tìm hiểu ẩm thực và thiết kế của quán ăn Việt Nam của chủ quán Bùi Tuấn, một người sinh ra và lớn lên ở bang Virginia, Mỹ. Cà phê phin ở “Ăn Chơi” được phục vụ đúng kiểu chữ không công nghiệp hoá với máy pha cà phê kiểu Mỹ. Cà phê được chủ quán cất công nhập từ Buôn Mê Thuột. Để ý thì thấy cạnh giá tủ đựng cà phê là một dãy bia 333 và cả bia Lào vốn là của hiếm ở New York. Những ngày hè nóng nực ở New York, điều tôi thường nghĩ ngay đến là một ly bia mát lạnh ở “Ăn Chơi”. Những lúc chiều, nắng chiếu xiên qua khung cửa sổ cứ làm tôi nhớ đến những cảnh phim của Mùa hè chiều thẳng đứng. Lên cơn đói bụng, tôi thường chọn món bò lúc lắc hay gỏi xoài cho mát dạ. Mùa đông, ngắm tuyết rơi và xì xụp bún bò Huế hay phở bò thì đúng là nhất. Thưởng thức món ngon mà không bị cảm giác sợ ăn phải nhiều mì chính như các quán ăn Việt có chủ người Hoa ở China Town. Những khi có bạn bè Việt Nam ghé thăm và lên cơn thèm đồ Việt, tôi hay dẫn đến “Ăn Chơi” vì có thể yên tâm về menu ngon mà không sợ bị chế biến quá mức (fusion) không nhận ra như các quán ăn Việt sang trọng hạng A (fine-dining) như Indochine, Le Colonial... với mức giá cao chóng mặt. Và cũng giống như tôi, bạn bè ai tới đây lần đầu cũng cảm nhận về một góc của Việt Nam quen thuộc và gần gũi. Ở xa mà vẫn luôn như ở nhà, người ta yêu “Ăn Chơi” có lẽ là vì thế! Thử tưởng tuợng bạn bước chân vào một quán cà phê có dáng dấp một nhà máy cà phê tương lai. Hạt cà phê từ khắp thế giới được để riêng trong các khay lớn hình ống, gắn kết bởi một loạt khối máy móc đầy phức tạp, công phu. Khi người bán hàng nhập vào máy vi tính 3 giống hạt cà phê bạn lựa, hột cà phê từ 3 khay tương đương được hút lên trên không, bay chung vào một ống dẫn lớn, cùng được xay nhuyễn, rang, đun, lọc ngay tại chỗ. Chỉ mất 30s từ lúc bạn đặt hàng, ly cà phê đã sẵn sàng để bạn thưởng thức. Thật giống như tiệm cà phê của năm 2050 phải không? Ấy vậy mà tiệm cà phê kiểu tương lai ấy đã có ở trung tâm New York với cái tên: “Roasting Plant”.
Mike Caswell, người sáng lập ra của “Roasting Plant” từng là “lính cũ” đóng góp nhiều thành công cho Starbucks. Với bằng kỹ sư lành nghề, Mike nung nấu niềm đam mê công nghệ cùng tình yêu dành cho cà phê với hoài bão sở hữu một quán cà phê mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng. “Ở Mỹ không thiếu những quán cà phê ngon, nhưng từ trước tới nay chưa có quán cà phê nào thực sự cho người yêu cà phê có cơ hội được nếm, thử nghiệm với các giống hạt cà phê khác nhau từ khắp thế giới!”, Mike tâm sự. Nhằm giúp khách hàng hiểu biết tường tận về sự khác nhau của từng giống hạt cà phê, hàng tuần “Roasting Plant” còn có tiệc thử cà phê để khách hàng có dịp thưởng thức cà phê chung với các loại bánh ngọt tuơng ứng. Có tiệc thử rượu, ắt phải có tiệc thử cà phê! Mike và các cộng sự du lịch khắp thế giới để chọn ra những giống hạt cà phê số 1 cho tiệm cà phê con cưng của mình. Vừa cười, Mike hé lộ: “Tôi chưa từng được thử cà phê Việt Nam và rất mong ngóng được khám phá cà phê châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng!”. Liệu sẽ có một ngày không xa “Roasting Plant” vươn tới châu Á? Ông chủ của “Roasting Plant” hóm hỉnh gật đầu. Theo: Tạp chí CF
|
No comments:
Post a Comment